Câu chuyện Bao Tự

Bao Tự không rõ tên gì, là người nước Bao (褒国, nay là khu vực Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây), họ Tự. Cũng như hầu hết phụ nữ thời Tiên Tần, phụ nữ nước này được gọi bằng tên nước nơi mình sinh ra kèm theo họ gia tộc đằng sau, do đó nàng được gọi luôn là Bao Tự[2][3]. Một số phụ nữ nổi bật có thuỵ hiệu sẽ được gọi theo thứ tự: nước - hiệu - họ, ví dụ như Tề Văn Khương, trong đó "Tề" là nước bà sinh ra, "Văn" là hiệu, còn "Khương" là họ gia tộc của Tề vương.

Câu chuyện về Bao Tự được Sử ký Tư Mã Thiên ghi lại mang màu sắc truyền thuyết:

昔自夏后氏之衰也,有二神龙止於夏帝庭而言曰:“余,襃之二君。”夏帝卜杀之与去之与止之,莫吉。卜请其漦而藏之,乃吉。於是布币而策告之,龙亡而漦在,椟而去之。夏亡,传此器殷。殷亡,又传此器周。比三代,莫敢发之,至厉王之末,发而观之。漦流于庭,不可除。厉王使妇人裸而噪之。漦化为玄鼋,以入王後宫。後宫之童妾既龀而遭之,既笄而孕,无夫而生子,惧而弃之。 宣王之时童女谣曰:“檿弧箕服,实亡周国。”於是宣王闻之,有夫妇卖是器者,宣王使执而戮之。逃於道,而见乡者後宫童妾所弃妖子出於路者,闻其夜啼,哀而收之,夫妇遂亡,饹於襃。襃人有罪,请入童妾所弃女子者於王以赎罪。弃女子出於襃,是为襃姒。

.

Thời Hạ Hậu thị (nhà Hạ) suy vi, có hai con rồng thần vào sân đình của vua tự xưng là vua nước Bao. Triều đình bèn tế lễ, rồng thần nhả lại dãi và được lưu vào hộp gỗ. Từ đời nhà Hạ qua đời nhà Thương không ai dám mở hộp dãi rồng. Đến thời Chu Lệ vương mở hộp ra xem, nước dãi biến thành con thằn lằn đen chạy vào hậu cung, làm một cung nữ mới 12 tuổi mang thai. Sau 38 năm, người cung nữ đó sinh ra một bé gái đẹp như thiên thần, sợ là vật tai dị nên vứt đứa trẻ xuống sông Thanh Thủy.

Thời Chu Tuyên vương, có câu đồng dao: "Gỗ dâu làm cung, gỗ cơ làm bao, bao đựng tên sẽ diệt nhà Chu". Một đôi vợ chồng không biết có lệnh cấm bán gỗ dâu và gỗ cơ, mang ra chợ bán liền bị triều đình truy bắt. Họ chạy trốn giữa đường thì gặp đứa trẻ bị thả trôi sông, bèn ôm mang theo đến Bao quốc. Khi người nước Bao có tội, bèn lấy một cô gái dâng hiến cho Chu U vương chuộc tội. Cô bé lớn lên chính là Bao Tự.

— 史记·卷四·周本纪第四

Bao Tự nhập cung, được Chu U Vương ngày đêm ân ái. Năm thứ 4 (778 TCN), nàng sinh một con trai, đặt tên Cơ Bá Phục (姬伯服). Khi này U vương đã có Thân vương hậu, và lập con trai bà là Cơ Nghi Cữu làm Thái tử. Tuy nhiên, vì sủng ái mẹ con Bao Tự mà năm thứ 8 (774 TCN), ông phế truất cả Thân hậu lẫn Nghi Cữu; lập Bao Tự làm Kế hậu, Bá Phục làm Thái tử thay thế[4][5].

Việc này làm phật ý cha của Phế hậu là Thân hầu - quân chủ nước Thân (nay là Nam Dương, tỉnh Hà Nam). Thân hầu liên hệ nước Tằng (nay là Phương Thành, tỉnh Hà Nam) cùng quân Khuyển Nhung kéo đến đánh úp Cảo Kinh. Chu U vương vội đốt lửa trên đài, ra hiệu triệu chư hầu nhưng không ai tới cứu, có thuyết cho rằng vì bình thường không có giặc, các chư hầu thường xuyên bị lừa để chọc Bao Tự cười nên nghĩ lần này cũng vậy. U vương bất lực mang Bao Tự và con nhỏ tháo chạy. U vương và Bá Phục bị quân Khuyển Nhung đuổi theo giết chết. Bao Tự bị bắt trong cơn hỗn loạn, không rõ kết cục[6], có khả năng bị vua Khuyển Nhung bắt làm thiếp vì nhan sắc xinh đẹp.

Quân khuyển Nhung tiếp tục cướp bóc, giết hại người trong kinh thành. Thân hầu ân hận nên viết thư triệu chư hầu các nước Tấn, Tần, VệTrịnh đến đánh quân Khuyển Nhung. Quân bốn nước kéo đến đánh tan quân Nhung, khôi phục quyền kế vị cho Cơ Nghi Cữu, tức Chu Bình vương[7][8].